Cơ hội nghề nghiệp tự động hóa

Chào bạn!

Trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ với các bạn những cơ hội nghề nghiệp cho một kĩ sư tự động hóa và review luôn cho các bạn những trải nghiệm của tôi với những công việc đó là gì.

DANH MỤC CÔNG VIỆC

Kĩ sư tự động hóa

Cơ hội nghề nghiệp đầu tiên và có hàm lượng chuyên môn cao nhất đó là trở thành một kĩ sư tự động hóa chuyên tích hợp các giải pháp tự động hóa. Nói cách khác chính các bạn là người thiết kế và lập trình máy tự động hóa cải tiến các công đoạn tại hiện trường sản xuất trong các nhà máy.

Có 2 môi trường làm việc chính với vị trí công việc này:

  • Bộ phận Automation tại các nhà máy: đây là bộ phận được các công ty lớn thành lập với mục đích tự làm các máy tự động hóa mà không cần phải thuê các vendor (nhà cung cấp bên ngoài). Chỉ có những công ty lớn mới có bộ phận này được đầu tư nghiêm chỉnh, mức độ chuyên môn hóa cao và các thức làm việc chuyên nghiệp. Với trải nghiệm 10 năm làm việc của mình thì chỉ có Samsung làm tốt nhất.
  • Kĩ sư tự động hóa tại các công ty thương mại/dịch vụ tự động hóa: tùy vào quy mô, định vị của từng công ty mà mức độ làm chuyên môn của các bạn sẽ khác nhau. Nếu công ty bạn làm là công ty tích hợp tự động hóa thì bạn sẽ phải làm mọi việc từ tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện, xin báo giá đến việc thiết kế, lập trình và có khi phải tự đấu nối thiết bị.

Kĩ sư bảo trì

Nghề nghiệp thứ hai mà một kĩ sư tự động hóa có thể làm đó là trở thành kĩ sư bảo trì tại các nhà máy sản xuất.

Các hạng mục công việc mà kĩ sư bảo trì phải thực hiện bao gồm như sau:

  • Quản lý nhân lực, sắp xếp và điều phối công việc hàng ngày
  • Đảm bảo các dây chuyền thiết bị luôn ở tình trạng tốt nhất khi vận hành sản xuất, nếu có lỗi phát sinh cần đảm bảo nhanh chóng xử lý kịp thời.
  • Đảm bảo các chỉ số quan trọng đạt yêu cầu: hiệu suất thiết bị, hiệu suất vận hành, thời gian sửa chữa, thời gian giữa các lần sửa chữa,…
  • Phân tích nguyên nhân gốc rễ và đưa ra các giải pháp cải tiến cho những vấn đề về chất lượng sản phẩm liên quan đến lỗi thiết bị.
  • Lập danh mục, quản lý tình trạng tồn kho các phụ tùng (spare part) và hàng tiêu hao thiết yếu cho các máy sản xuất. Chủ động đánh giá nguy cơ hỏng hóng thiết bị để chuẩn bị mua hàng, đảm bảo khi sự cố dừng máy phát sinh có thiết bị, vật tư thay thế hoặc nhanh chóng có phương áp mượn hàng để tránh dừng máy lâu.
  • Thực hiện các cải tiến về tính năng máy có sẵn. Nếu bạn hoặc đội nhóm thiếu các kĩ năng hoặc khả năng thực thi thì cần đề xuất dự án cải tiến để thuê nhà cung cấp bên ngoài.
  • Thực hiện hoặc đề xuất các dự án tự động hóa cải tiến công đoạn với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm tỉ lệ lỗi sản phẩm và tối ưu hóa chi phí đầu tư.
  • Triển khai các hoạt động đào tạo nội bộ để nâng cao kĩ năng chuyên môn của các bạn kĩ thuật viên, theo nhóm khu vực phụ trách và theo mức độ thành thạo các hạng mục chuyên môn sửa chữa, lập trình.
  • Cải tiến giảm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị hàng năm.
  • Tìm kiếm các nhà cung cấp để nội địa hóa các mặt hàng phụ tùng spare part, tiêu hao để giảm chi phí và cải thiện thời gian giao hàng thay vì chờ đợi quá trình mua hàng lâu từ các nhà cung cấp nước ngoài. Đương nhiên cần kiểm soát đảm bảo chất lượng và có những mặt hàng đặc thù bắt buộc các bạn phải mua từ nước ngoài. Điều này liên quan đến việc kiểm soát tồn kho và chủ động mua hàng sớm.