Lộ trình học PLC từ cơ bản đến nâng cao

PLC (Programmable Logic Controller) là bộ điều khiển logic khả trình, đóng vai trò điều khiển các máy tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất. PLC hiện tại đang đóng vai trò là bộ điều khiển phổ biến nhất trong các máy tự động, và dù bạn làm kĩ sư tích hợp dự án hay kĩ sư bảo dưỡng thì kiểu gì cũng phải làm việc với PLC.

Do đó trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ cho các bạn lộ trình học PLC từ cơ bản đến nâng cao. Từ đó bạn xác định rõ hơn về hướng phát triển kĩ năng lập trình và tích hợp các dự án tự động hóa sử dụng PLC.

Nội dung bài viết

Kiến thức cơ bản

Với người mới thì tôi thấy các bạn không nên ngay lập tức nhảy vào học PLC và tập lệnh lập trình ngay. Điều này trong ngắn hạn có thể đem lại cảm giác thích thú nhanh chóng nhưng lại không giúp các bạn biết cách triển khai một dự án tự động hóa bất kì một cách hiệu quả, đó là lý do vì sao nhiều bạn học xong các khóa học lập trình nhưng đến khi vào thực tế không làm được việc. Nguyên nhân rất đơn giản, thiếu tư duy và đào tạo từng bước theo quy trình triển khai dự án.

Các bạn nên nhớ rằng muốn lập trình tốt thì việc đầu tiên cần làm đó là phải hiểu về phần cứng thiết bị và lập trình chỉ là bước sau cùng trong quá trình làm dự án.

Dưới đây là những kiến thức cơ bản mà bạn cần học trước khi lao vào tìm hiểu PLC:

  • Khí cụ điện hạ áp: cần hiểu về các loại khí cụ điện hạ áp thông dụng, chức năng, công dụng, nguyên lý hoạt động và cách thức sử dụng chúng. Trong khí cụ điện hạ áp các bạn hãy chú ý về thiết bị đóng cắt, thiết bị thiết bị bảo vệ. Ví dụ như aptomat, relay, contactor, nút bấm.
  • Thiết bị khí nén: van điện từ, xy lanh khí nén, bơm khí nén, các đầu nối khí, cảm biến từ xy lanh, cách thức tính chọn thiết bị và sử dụng phần mềm thiết kế của hãng.
  • Các loại cảm biến thông dụng trong máy tự động hóa: cảm biến quang điện, cảm biến tiệm cận, cảm biến vùng an toàn, cảm biến nhiệt độ, cảm biến sợi quang,…
  • Nắm vững cách thức đấu nối thiết bị: điều này đặc biệt quan trọng để tránh các sự cố do đấu nối sai cách. Để đấu nối chuẩn thì bạn cần có kĩ năng đọc bản vẽ tốt (tra cứu, hiểu kí hiệu thiết bị, hiểu sơ đồ nguyên lý). Với kĩ năng đấu nối các bạn sẽ cần đấu nối mạch lực (mạch nguồn) cho thiết bị, đấu nối mạch chức năng, đấu nối các tín hiệu vào/ra của các thiết bị như PLC, card I/O, Driver, biến tần,… Đặc biệt chú ý khi đấu nối nguồn 1 pha, 3 pha cần đảm bảo an toàn thiết bị và an toàn cho người sử dụng. Và bạn cũng cần hiểu rõ về chuẩn đấu nối tín hiệu vào/ra dạng NPN và PNP.
  • Thực hành thiết kế và đấu nối các mạch đơn giản điều khiển các xy lanh khí nén hoạt động theo trình tự sử dụng mạch relay. Điều này sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về những kiến thức cơ bản như tiếp điểm, điều khiển tuần tự, kiểm soát an toàn vận hành, cách thức 1 hệ tự động hóa đơn giản hoạt động và cách đấu nối các tín hiệu vào/ra.

Học kĩ năng thiết kế điện

Như đã đề cập ở phần trước, trước khi bạn lập trình hãy hiểu về phần cứng trước. Và việc thiết kế điện sẽ đòi hỏi các bạn phải đọc tài liệu kĩ thuật kĩ để có thể thiết kế các bản vẽ kĩ thuật điện. Đây cũng là bước đầu rèn luyện kĩ năng thiết kế cho các dự án tích hợp sau này.